(chaugiangjsc.com.vn) Từ ngày 1-6, ba mặt hàng điện thoại di động, mỹ phẩm và rượu chỉ được phép nhập khẩu về Việt Nam bằng đường biển, qua 3 cảng biển chính gồm Hải Phòng, TPHCM và Đà Nẵng. Các nhà nhập khẩu đang lo vì quy định này sẽ khiến chi phí tăng lên, thời gian nhập hàng kéo dài, tác động mạnh tới hoạt động kinh doanh.
Từ ngày 1-6, ba mặt hàng điện thoại di động, mỹ phẩm và rượu chỉ được phép nhập khẩu về Việt Nam bằng đường biển, qua 3 cảng biển chính gồm Hải Phòng, TPHCM và Đà Nẵng. Các nhà nhập khẩu đang lo vì quy định này sẽ khiến chi phí tăng lên, thời gian nhập hàng kéo dài, tác động mạnh tới hoạt động kinh doanh.
Theo Bộ Công thương trong thông báo 197/TB-BCT, việc siết chặt quy định nhập khẩu ba mặt hàng không thuộc nhóm tiêu dùng thiết yếu nói trên là nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hạn chế hàng giả kém chất lượng và gian lận thương mại.
Ngoài việc chỉ được đưa hàng vào qua ba hải cảng chính, các doanh nghiệp khi làm thủ tục nhập khẩu điện thoại di động, mỹ phẩm và rượu sẽ phải xuất trình thêm giấy chỉ định, hoặc ủy quyền của nhà phân phối, hãng sản xuất... Các loại giấy tờ này phải được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật.
Theo ông Đinh Anh Huân, Tổng giám đốc thegioididong.com và thegioidientu.com, khi quy định trên có hiệu lực từ ngày 1-6 sắp tới, các nhà phân phối sẽ gặp rất nhiều khó khăn, mất thêm nhiều thời gian và phát sinh thêm chi phí tài chính.
“Phần lớn điện thoại di động đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Nếu vận chuyển bằng tàu biển thì phải mất vài ngày mới về tới cảng, trong khi hiện nay, đi bằng đường hàng không chỉ mất vài tiếng đồng hồ” ông Huân nói.
Yêu cầu hàng hóa phải có giấy tờ xác nhận của cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài càng làm cho thời gian hoàn thành thủ tục nhập hàng kéo dài và phát sinh thêm nhiều chi phí. Riêng việc kiểm hóa của hải quan cũng đã mất khoảng 15 ngày mà theo các nhà doanh nghiệp, thời gian càng kéo dài, chi phí tài chính càng bị đội lên.
“Ước tính toàn bộ quy trình thủ tục sẽ “ngốn” của doanh nghiệp khoảng 1 tháng mới có hàng về đến Việt Nam và chi phí tài chính tăng thêm có thể chiếm tới 2% giá điện thoại” ông Huân nói. Tất nhiên, chi phí phát sinh này sẽ được hạch toán vào giá bán và người tiêu dùng sẽ là người phải thanh toán khoản tăng thêm đó.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, mục tiêu thực của biện pháp này là nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu tiếp tục tăng trong các tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, theo ông Doanh, để hạn chế nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu như rượu, mỹ phẩm, điện thoại di động, ôtô..., nhà nước nên sử dụng các công cụ kinh tế như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt… thay vì áp dụng biện pháp hành chính. Thuế cao, đẩy giá hàng hóa lên, sẽ nâng cao ý thức của người dân, buộc người mua hàng phải cân nhắc kỹ hơn khi bỏ tiền mua sắm các món hàng tiêu dùng xa xỉ.
“Còn biện pháp hành chính sẽ chỉ tạo nên thủ tục rườm rà, gây tâm lý ức chế cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và gây tiêu cực trong quản lý”, ông Doanh nói.